“Tus” đểu đầu năm của Chân Trời Mới Media
Nguyễn Đức Vinh
“Nhằm che đậy làn sóng bắt bớ để triệt hạ các tôn giáo suốt mấy năm qua, dịp Noel 2023 này, Hà Nội đã cho phép các Hội thánh, khắp Bắc – Trung – Nam, được ‘trống dong cờ mở’ trong mùa Giáng sinh ‘phù hoa nhất thế’.
Nhằm ngày 1/1/2024 đầu năm để tung ra cái tus (status) trên – điều đó cho thấy Chân Trời Mới Media – một trong những trang mạng phản động điển hình – dã tâm và thâm hiểm như thế nào.
Dã tâm thì rõ rồi: xuyên tạc Việt Nam là quốc gia mất tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng; Việt Nam triệt hạ cơ sở tôn giáo, tâm linh…, từ đó quy kết: một quốc gia như thế, hỏi sao có dân dân chủ, nhân quyền?
Tuy nhiên, cái chết của trang mạng phản động Chân Trời Mới Media là sử dụng một con bài quá cũ; con bài này từng được họ nhai đi nhai lại nhiều lần, nhất là những thời điểm diễn ra các sự kiện tôn giáo, trong đó có ngày Noel 25/12.
Quá cũ, nên chẳng cần cố công, cũng dễ dàng nêu vô số bằng chứng bác bỏ.
Ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng, tự do và lương-giáo đoàn kết”. Ngày 14/6/1955, cũng chính Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 234/SL, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam), trong đó ghi rõ: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”.
Quyền tự do tín ngưỡng của người dân được Hiến định trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980,1992, 2013, phù hợp với Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, năm 1966 (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên, cũng như các văn kiện quốc tế liên quan khác, với tinh thần: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (như quy định của Hiến pháp 2013).
Ngày 18/11/2016, Quốc hội khóa 14 của Việt Nam đã ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, trong đó khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật (…); Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo” (Điều 3); “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo…” (Điều 6)…
Với nền tảng pháp lý đó, tôn giáo và tín ngưỡng ở đất nước hình chữ S không chỉ được tôn trọng, bảo vệ, mà còn phát triển mạnh mẽ. Năm 2003, Việt Nam có 6 tôn giáo, 15 tổ chức với 17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự; 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc. Tới năm 2022, có tơi 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau được chính quyền công nhân, với trên 27 triệu tín đồ, trên 53.000 chức sắc, khoảng 148.000 chức việc; trên 29.700 cơ sở thờ tự. Những năm đổi mới, Việt Nam là nơi từng diễn ra các sự kiện tôn giáo lớn, có tiếng vang trên toàn cầu, như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK (các năm 2008, 2014, 2019); Giáo hội Tin lành đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành (tháng 12/2017); Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới tại Đồng Nai (tháng 7/2019), với hàng nghìn đại biểu của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia…
Về tín ngưỡng, có người ví Việt Nam như “cường quốc” với 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước, thu hút hàng vạn tín đồ tham gia…
Rõ một điều: không thể có bước phát triển mạnh mẽ về tôn giáo, tín ngưỡng đó ở một quốc gia, nếu nhà nước không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của người dân. Điều đó đồng nghĩa rằng, cái gọi là “làn sóng bắt bớ để triệt hạ các tôn giáo suốt mấy năm qua…” mà Chân Trời Mới Media tung ra, chỉ có thể là sự xuyên tạc, nhằm vu cáo nhà nước Việt Nam mà thôi.
Dĩ nhiên, tôn trọng, bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo không thể bao hàm chấp nhận các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo trái pháp luật. Quốc tế cũng như từng quốc gia đều minh bạch vấn đề này. Khoản 3, Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (của LHQ, có hiệu lực ngày 23/3/1976), đã khẳng định, quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng phải chịu “các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”. Thế nên, mọi hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng và tôn giáo, phải bị xử lý theo pháp luật (như nhà nước Việt Nam đã từng xử lý) trong thời gian qua, không thể quy đó là hành vi đàn áp tôn giáo của chính quyền.
Trở lại cái tus trên để bàn thêm về sự thâm hiểm của Chân Trời Mới Media.
Hiểm ở chỗ, Chân Trời Mới Media cố tình gắn luận điệu xuyên tạc vào một sự kiện tôn giáo cụ thể, là Noel 2023, như một “thực chứng” (!). Nhưng thực tế sinh động của đời sống tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam (như đã nêu trên), cũng như không khí tấp nập của Noel 2023, còn hơn vạn lần cái “thực chứng” của Chân Trời Mới Media. Không khí đó, khiến ngay cả kẻ vu cáo là Chân Trời Mới Media cũng phải thừa nhận là “trống dong cờ mở”. Vì thế, tréo ngoe, nó thành cái tát giáng vào Chân Trời Mới Media – kẻ tung tin giả – rồi lấy đó làm điều hò hét, kích động dư luận.
Trong thực tế, đêm Noel hằng năm, ở Việt Nam, đã vượt ra ngoài khuôn khổ một sự kiện tôn giáo, thành một sinh hoạt văn hóa nhiều màu sắc của đông đảo người dân, nhất là giới trẻ. Chính quyền không những không cản trở, cấm đoán, mà còn tạo điều kiện, đồng thời, thể hiện trách nhiệm qua việc có các biện pháp bảo đảm an ninh, giao thông, trang trí… để đêm Noel, kết hợp với các hoạt động văn hóa khác, diễn ra vui tươi, ấm áp, an lành, an toàn và đoàn kết.
Cũng chẳng phải tới Noel 2023 này Hà Nội mới cho phép “các Hội thánh, khắp Bắc – Trung – Nam, được ‘trống dong cờ mở’ trong mùa Giáng sinh ‘phù hoa nhất thế’ – như Chân Trời Mới Media xuyên tạc.
Lâu rồi, từ lâu rồi (trừ các năm đại dịch COVID-19), các đêm Noel 2019 trở về trước, không khí cũng vui, cũng náo nức, cũng tưng bừng chẳng kém Noel 2023, trong sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước và các cấp chính quyền ở Việt Nam. Không tin, hãy lần giở lại các thông tin, hình ảnh mà báo chí, truyền thông đã phản ảnh, sẽ thấy.
Ảnh 1. Noel 2019 tại Hà Nội