Lại chuyện “ăn ốc nói mò”!
Thái Bá Linh
Lợi dụng mấy khó khăn tạm thời về kinh tế của Việt Nam, một số người chuyên “bới lông tìm vết” đã đưa ra những nhận xét sai lệch rằng, việc tăng trưởng năm 2023 tụt dốc so với năm 2022, và không đạt chỉ tiêu tăng trưởng như Quốc hội Việt Nam đề ra (6-6,5 %); rằng những người đang lái con thuyền kinh tế chỉ thích “tô son trát phấn” về thêm dự án đầu tư này nọ, nhưng rốt cuộc vẫn rơi vào bế tắc. “Suy cho cùng là đang tái diễn cảnh “gà quèn ăn quẩn cối xay”, vẫn con người với tư duy làm ăn kiểu cũ, với cơ chế chính sách bảo thủ, với cơ sở hạ tầng, dù những năm gần đây có cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu”, v.v và v.v…
Để khách quan, người viết bài này mong những ai có nhận xét nêu trên, hãy đọc kỹ bài phân tích về kinh tế – xã hội Việt Nam trên tờ Bangkok Post ngày 28/12/2023 thông qua sự so sánh thu hút nguồn đầu tư FDI vào mỗi nước. Bài báo giải thích 4 lý do Thái Lan đang tụt hậu so với Việt Nam trên lĩnh vực này:
Thứ nhất, dân số Thái Lan đang già hóa và lực lượng lao động cũng vậy. Độ tuổi trung bình ở Thái Lan là 40,2, cao hơn so với độ tuổi trung bình của Việt Nam là 32,8 tuổi và của Indonesia là 29,9 tuổi. Trung Quốc có độ tuổi trung bình tương đối cao là 39,0 tuổi, chủ yếu là do chính sách một con trước đây.
Thứ hai, Thái Lan đang thiếu lao động trầm trọng. tỉ lệ thất nghiệp thấp đến “nực cười”, ở mức 1,06 %, thấp hơn tỉ lệ tự nhiên là 2 %. Vì vậy, Thái Lan phải dựa vào 2,3 triệu lao động nước ngoài đã đăng ký (chiếm 8,5 % tổng lực lượng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp) để đáp ứng nhu cầu lao động. Số lao động nước ngoài được cho là khoảng 5 triệu người nếu tính cả lao động nước ngoài bất hợp pháp.
Thứ ba, Thái Lan là nước có chi phí lao động tương đối cao. Thu nhập bình quân đầu người ở Thái Lan là 7.298 USD, trong khi đó ở Indonesia là 5.109 USD và ở Việt Nam là 4.316 USD. Do đó, việc yêu cầu tăng chi phí lao động là sự phản tác dụng. Do thu nhập bình quân đầu người của Malaysia khá cao, ở mức 13.034 USD nên Malaysia cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như Thái Lan. Ngay cả khi chi phí lao động cao hơn nhiều, Malaysia vẫn thu hút nhiều FDI hơn so với Thái Lan.
Thứ tư, Thái Lan có giá điện cao, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Các ngành công nghiệp hiện đại dựa vào tự động hóa như máy móc phức tạp và robot công nghiệp, do đó năng lượng là một chi phí quan trọng trong quá trình sản xuất.
Tờ báo kết luận, nếu không khắc phục được 4 vấn đề này thì khó có thể chứng kiến làn sóng FDI đổ vào Thái Lan.
Còn khi đề cập khả năng làm chủ công nghiệp hiện đại của Việt Nam thì đài Sputnik chỉ rõ, việc ra mắt các ứng dụng của riêng người Việt là tín hiệu tốt, cho thấy những nỗ lực của các đơn vị công nghệ trong nước, từ đó từng bước giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm quốc tế và nâng cao tính chính xác của thông tin chứa giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Năm 2023, cú nổ Chat GPT của Open AI đã làm rung chuyển thị trường công nghệ thế giới, mở ra cuộc đua chinh phục trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) giữa các quốc gia và ông lớn trong lĩnh vực công nghệ.
Có thể thấy, các nguồn dữ liệu tiếng Anh thường tạo ra các mô hình ngôn ngữ lớn nhất thế giới. Do đó, mô hình không thực sự hiểu và phản ứng tốt với văn hóa và ngữ cảnh của người Việt Nam, khiến mô hình ngôn ngữ này “bịa đặt” ra câu trả lời không chính xác. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các đơn vị nghiên cứu công nghệ AI tại Việt Nam. Và thực tế đã chứng minh rằng, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này với hàng loạt các sản phẩm AI tạo sinh ra đời. Gần đây một số đơn vị nghiên cứu công nghệ Gen AI liên tục cho ra mắt các mô hình, có thể kể đến như FPT AI, PhởGPT hay Zalo AI, LLM.
Mới đây nhất là 27/12 tại thành phố Hồ Chí Minh, VinBigdata của tập đoàn Vingroup chính thức thông báo công bố ra mắt ứng dụng ViGPT, ứng dụng tương tự ChatGPT của riêng người Việt. Việc làm chủ công nghệ và tự phát triển, ứng dụng đầu tiên dành cho người dùng cuối được xem là bước tiến giúp đơn vị này đưa công nghệ AI tạo sinh và hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.
Có thể thấy, dù Việt Nam đang ở bước đầu trên hành trình chinh phục AI tạo sinh, nhưng việc ra mắt có ứng dụng riêng của người Việt là tín hiệu tốt, cho thấy những nỗ lực của các đơn vị công nghệ trong nước.
GS Vũ Hà Văn, giám đốc khoa học VinBigdata, cho biết: “Việc ra mắt một “ChatGPT phiên bản Việt” đánh dấu khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam. Cao hơn thế, qua việc làm chủ công nghệ, chúng ta có thể tự chủ khai thác, bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia, cùng hệ tri thức, tư tưởng mang bản sắc Việt Nam. Hướng đi này sẽ cho phép chúng ta không chỉ xóa bỏ sự phụ thuộc vào những sản phẩm quốc tế, mà còn có thể dần nâng cao tính chính xác của thông tin chứa giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam và giảm thiểu dòng chảy dữ liệu ra nước ngoài”.
Đặc biệt, xét về độ đảm bảo thông tin chính xác, ứng dụng do người Việt Nam làm chủ sẽ có tính ưu việt hơn, nhằm tránh đưa sai lệch thông tin về lịch sử, văn hóa, chính trị của Việt Nam.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam khi mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất một nền tảng công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn LLM tiếng Việt.
Các các ông nghĩ gì về những phân tích có cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên?./.