Mục đích chân chính đâu rồi?
Đức Minh
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vừa đưa ra cái gọi là tổng kết năm 2023 cho biết tại Việt Nam hiện có đến 36 nhà báo độc lập đang bị giam cầm, trong đó có 20 blogger. Điều này khiến Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia giam giữ nhà báo nhiều nhất trên thế giới.
Đây lại là một sự nhập nhèm, đánh tráo khái niệm, phán xét mang tính quy chụp, vu cáo của RSF – một trong những tổ chức phi chính phủ thường xuyên có cái nhìn thiếu thiện chí và đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Như vậy, ở Việt Nam, chỉ có những người làm báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí, các quy định có liên quan và chịu sự quản lý của Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam chứ không có khái niệm “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do” hay “bloger tự do”… Ở Việt Nam, hiện nay, có một số cá nhân lợi dụng danh nghĩa “dân chủ”, “phản biện xã hội” vì mục đích chống phá cũng hằng ngày làm ra những “sản phẩm” mà họ gọi là báo chí. Một số người được sự hà hơi, tiếp sức, cổ xúy từ bên ngoài đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải, phát tán những thông tin xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật với mục đích chống phá Đảng và Nhà nước. Những kẻ đó không thể gọi là nhà báo, lại càng không xứng đáng với những nhà báo chân chính, đúng nghĩa.
Như vậy ở đây RSF đã nhập nhèm đánh tráo khái niệm giữa nhà báo chân chính với những đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí dùng nền tảng mạng xã hội để chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật. RFS gọi những kẻ đó bằng “nhà báo độc lập” là hết sức hồ đồ, vô lối. Mục đích của chiêu trò này không gì khác là nhằm tạo cớ để dễ bề đứng ra che chắn, bảo vệ cho những đối tượng mà họ khoác cho cái danh phận “nhà báo độc lập”.
Nhà nước Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ở Việt Nam không có nhà báo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị bắt, bị giam giữ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam chỉ khởi tố, bắt giữ, điều tra đưa ra xét xử những công dân núp dưới danh nghĩa nhà báo để có hành vi cố tình vi phạm pháp luật, lợi dụng “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, để tuyên truyền xuyên tạc, tán phát tài liệu, các bài viết có nội dung xấu độc phá hoại an ninh quốc gia, gây mất an toàn xã hội, kích động bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống, truyền thống, văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam. Sự thật về 36 đối tượng chống đối hiện đang bị giam giữ mà RSF nêu ra trong báo cáo thì có người trước đây từng là nhà báo, làm việc tại cơ quan báo chí nhưng sau đó do vi phạm pháp luật nên đã bị tước thẻ hành nghề, không còn được hoạt động báo chí; còn lại trường hợp khác họ không phải là nhà báo mà chỉ là cá nhân lợi dụng nền tảng mạng xã hội để viết bài, sản xuất các video clip xuyên tạc sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Như vậy việc RSF đánh đồng các trường hợp này với nhà báo là hoàn toàn trái với bản chất sự việc. Chẳng lẽ, RSF không biết hay cố tình không biết về điều này? RSF ra đời với mục đích bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Vậy mà RSF lại đi bảo vệ cho những đối tượng chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật. Thực chất hành động này của RSF là nhằm bảo vệ, bợ đỡ, kích động các đối tượng chống đối trong nước tiến hành những hoạt động công kích Đảng, chính quyền nhân dân dưới vỏ bọc “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do”… Việc làm của RSF đã cho thấy họ đang hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích do chính họ đặt ra./.