Chia rẽ quan hệ Việt – Trung – Âm mưu cũ, thủ đoạn mới
(Tiếp theo ngày 02/01 và hết)
Nguyễn Văn
II. Có thực khi Tổng Bí thư nhận huân chương của Trung Quốc thì “cổ Đảng bị tròng, cổ dân bị thít”?
3. Ý Nhi viết: “Nhìn hành động của ông Tập Cận Bình trên Biển Đông, thì ai cũng biết, ông ta không hề chân thành với Đảng Cộng sản Việt Nam. Miệng thì nói về thứ tình “hữu nghị”, nhưng tay lại dìm tàu cá ngư dân Việt Nam. Ông ta ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt trên ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam”. Thế nhưng “phía ông Trọng chỉ biết cúi đầu chấp nhận. Thỉnh thoảng có cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng, lặp đi lặp lại vài câu phản đối vô hồn, như “con vẹt”, chỉ để đối phó với dư luận trong nước, chứ không có bất kỳ hành động thiết thực nào, ví dụ như kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, như Philippines đã làm”(!) Đây là ý kiến mang đầy tính chủ quan, không đúng thực tiễn. Bởi vì:
Thực tiễn cho thấy, Việt Nam không phải là một nước yếu đuối hay sợ hãi trước Trung Quốc. Trái lại, Việt Nam luôn kiên định bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình trên Biển Đông bằng nhiều biện pháp, từ biện pháp ngoại giao, pháp lý đến biện pháp quân sự khi cần. Đồng thời, thường xuyên phản đối hành động xâm phạm của Trung Quốc như việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 (năm 2014), xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông, hay vi phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ta.
Mặt khác, Việt Nam không phải là một nước không có giải pháp pháp lý để đối phó với Trung Quốc, mà đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOC) nên có quyền sử dụng các cơ chế tranh tụng theo UNCLOS để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc. Đồng thời đã thể hiện sự ủng hộ cho phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đối với vụ kiện của Philippines; trong đó bác bỏ các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Cùng với đó là đã có sự chuẩn bị cho việc kiện Trung Quốc khi cần, thông qua việc nghiên cứu kỹ các khả năng và hậu quả có thể xảy ra nếu kiện Trung Quốc.
Tất nhiên, việc kiện Trung Quốc không phải là một giải pháp đơn giản hay dễ dàng. Cho nên, đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố, như thời điểm, cơ sở pháp lý, tình hình quốc tế và ảnh hưởng đến quan hệ song phương, v.v. Song hành với đó, phải chuẩn bị cho những phản ứng có thể xảy ra từ phía Trung Quốc, như tăng cường quân sự hóa trên biển và trên bộ, gây sức ép kinh tế, tìm cách phá vỡ đoàn kết nội khối ASEAN. Cần thấy rằng, việc kiện Trung Quốc cũng không chắc chắn sẽ có kết quả như mong muốn, bởi Trung Quốc có thể từ chối tham gia, hoặc không thừa nhận phán quyết của Tòa như họ đã làm với vụ kiện của Philippines.
Điều ấy cho thấy, Việt Nam không phải là một nước không dám làm gì với Trung Quốc, mà là một nước có chiến lược và chủ động trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Việc kiện Trung Quốc là một trong nhiều giải pháp có thể diễn ra, nhưng không phải là giải pháp duy nhất hay tối ưu, nên cần phải xem xét kỹ lưỡng các lợi ích và rủi ro của việc này, trước khi quyết định có kiện hay không kiện.
4. Ý Nhi cho rằng, việc Đảng ta cử cán bộ sang Trung Quốc đào tạo là thực hiện “Hán hóa” Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” khi đó “Trung ương Đảng xem như đã bị đeo tròng. Chính những người từng được Trung Quốc đào tạo, sau khi nắm được những chức vụ cao trong Đảng, sẽ ra tay thít cổ toàn dân”(!)
Cần thấy rằng, việc cử cán bộ đi học tập, đào tạo ở nước ngoài là chủ trương của Đảng ta nhằm nâng cao năng lực quản lý và học hỏi kinh nghiệm của các nước. Theo đó, Việt Nam không chỉ cử cán bộ sang Trung Quốc, mà còn cử đi nhiều nước khác như: Úc, Nhật, Hàn, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Nga, Mỹ, Cannada,… để học tập, đào tạo.
Việc cử cán bộ đi học tập ở Trung Quốc nói riêng, ở các nước trên thế giới nói chung là một phần của quan hệ song phương, nhằm thúc đẩy sự hợp tác và hòa bình giữa Việt Nam với các nước. Qua đó, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều cái hay của Trung Quốc và các nước, nhưng không có nghĩa là bị ảnh hưởng hoặc phụ thuộc vào Trung Quốc hay bất kỳ nước nào mà Việt Nam cử cán bộ đi học tập, đào tạo. Bởi vì, Việt Nam luôn kiên định về chủ quyền biển đảo, không chấp nhận bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền nào từ bất kỳ nước nào. Trái lại, việc Việt Nam cử cán bộ đi học tập, đào tạo ở Trung Quốc nói riêng, các nước khác nói chung cũng không làm thay đổi chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình, mà là một cơ hội để giải quyết các vấn đề tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của mình. Vì qua việc làm này, tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau hơn như ca dao Việt Nam có câu: “Năng mưa thì giếng năng đầy/Anh năng đi lại, mẹ thầy năng thương”. Chẳng thế mà trong quan hệ ngoại giao có ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
5. Ý Nhi viết: “Giữa hai quốc gia thì phải là ngoại giao giữa 2 nhà nước, chứ sao lại quan hệ ngoại giao giữa 2 Đảng? Tổng Bí thư dắt mũi Đảng, Đảng dắt mũi nhà nước”(!)
Ý kiến trên là một quan điểm cá nhân, không phản ánh chính thức quan hệ giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là quan hệ giữa hai nhà nước, hai dân tộc và hai Đảng có lịch sử gắn bó. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện từ năm 2008. Hai Đảng cũng có những cuộc gặp gỡ và trao đổi thường xuyên để thúc đẩy hợp tác và giải quyết các vấn đề còn khác biệt.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có những thăng trầm trong lịch sử, nhưng cũng có những bước phát triển mới trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, an ninh, v.v. Hai nước đang có những nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Như vậy, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận huân chương Hữu nghị của Trung Quốc làm tăng cường quan hệ ngoại giao, hiểu biết hơn giữa hai bên. Cho nên, những người có thâm thù với chế độ cộng sản dù có dùng trăm phương nghìn kế, dùng đủ mọi thủ đoạn cũng không chia rẽ được quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Bởi quan hệ đó là vì lợi ích của hai Đảng, hai Nhà nước, lợi ích của quốc gia – dân tộc và lợi ích của nhân dân hai nước. Vì thế, chúng ta cần cảnh giác trước bất cứ thủ đoạn nào của những người không ưa chế độ cộng sản nhằm chia rẽ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc./.